Xin chào các bác, em là Thanh Duy đây
Ở bài viết trước em đã chia sẻ những thông tin cơ bản, độ sai số cho phép của một chiếc đồng hồ cơ (automatic) Thuỵ Sĩ, Đức, Nhật Bản rồi. Nếu bác nào chưa xem hoặc muốn tìm hiểu sai số đồng hồ thì các bác có thể bấm vào LINK NÀY nhé.
Để tiếp nối câu chuyện về những chiếc đồng hồ cơ, bài viết này em sẽ cùng các bác mổ xẻ các nguyên nhân vì sao đồng hồ cơ lại có sai số và cách khắc phục ra sao các bác nhé.
Hiện tại trên thị trường có hai dòng em được biết đó là dòng tự động lên dây cót tự động và lên dây cót bằng tay. Đối với với đồng hồ cơ lên dây cót bằng tay bây giờ rất ít người dung vì nó cảm thấy bất tiện khi mỗi lần đeo. Còn lại đối với dòng lên dây cót tự động đến 98% người dung sử dụng và hầu hết tất cả các hãng sản xuất đồng hồ từ Thuỵ Sĩ, Đức, Nhật cũng chỉ đang sản xuất dòng tự động lên dây cót.
Mời các bác hiểu thêm về hai dòng này
- Dòng lên dây cót bằng tay: Người dùng muốn đồng hồ hoạt động phải dùng tay vặn núm lên cót cho đồng hồ thì đồng hồ mới chạy. Thông thường người dùng lên khoảng 15-25 vòng thì năng lượng cót sẽ đầy, tuy nhiên việc này lại cảm thấy khó chịu và bất tiện cho người sử dụng.
- Dòng lên dây cót tự động: Đối với những sản phẩm này người dùng có thể dễ dàng cho đồng hồ chạy chỉ bằng vài cái lắc tay nhẹ. Dòng này thì cũng có thể lên dây cót bằng tay nếu cần thiết để cho đồng hồ tích trữ đủ năng lượng, ngoài ra có thể lên dây cót tự động nhờ quả văng (bán nguyệt) ở nắp đáy sau mỗi chiếc đồng hồ.
Nguyên nhân đồng hồ cơ chạy nhanh/chậm
- Đồng hồ bị nhiễm từ: Đồng hồ của các bác mà để gần những vật dụng có từ trường, nam châm như cạnh tivi, tủ lạnh, loa … đều rất dễ có thể bị ảnh hưởng đến sai số của đồng hồ.
- Đồng hồ bị hư phần bánh răng trung gian: Phần bánh răng trung gian là trục chính để kết nối tới các bánh răng bộ phận khác, nếu phần bánh răng trung gian này gặp vấn đề thì chiếc đồng hồ của các bác rất dễ bị nhanh hoặc chậm bất thình lình.
- Đồng hồ bị xô thanh cần gạt: Trường hợp này thường xuyên bị gặp nhất, việc bị xô cần gạt có thể do đồng hồ bị va đập mạnh nên rất dễ dính nhanh chậm.
Cần tránh một số điều sau giúp chiếc đồng hồ của các bác tối thiểu gặp những rủi ro
- Không nên để đồng hồ ở những nơi có từ trường
- Không đeo đồng hồ khi vận động mạnh như chơi thể thao hoặc lao động
- Để đồng hồ ở những nơi có nhiệt độ phù hợp không nóng quá và cũng không lạnh quá
Cách khắc phục đồng hồ chạy nhanh chậm
- Trong trường hợp đồng hồ bị chạy nhanh hoặc chậm một chút
Ví dụ: Đồng hồ của các bác có độ sai số cho phép khoảng +/-10s/ngày chẳng hạn nhưng chiếc đồng hồ lại sai số đến +/-15s/ngày thì đừng mang đi bảo hành sửa chữa vội hãy dùng thử cách mẹo của em như này nhé. Nếu đồng hồ nhanh hơn một chút các bác khi tháo đồng hồ ra và để mặt đồng hồ úp xuống một bề mặt phẳng, các bác lưu ý nên để lên trên một chiếc khăn mềm sẽ tránh được những trầy xước trên mặt đồng hồ. Làm như vậy chiếc đồng hồ của các bác sẽ chạy nhanh hơn so với sai số cho phép, còn lại nếu chiếc đồng hồ của các bác chạy chậm thì ngửa mặt đồng hồ lên. Theo quy luật nhanh chậm của đồng hồ “NHANH – UP, CHẬM – NGỬA”.
- Trong trường hợp nếu làm như trên vẫn không được thì các bác nên đem đến cửa hàng đồng hồ đã từng mua để bảo hành hoặc đến nơi sửa chữa uy tín để kiểm tra. Xin lưu ý với các bác là không nên tự mở máy khi chưa biết nguyên nhân hoặc không có dụng cụ chuyên dụng sửa chữa. Có nhiều trường hợp đọc thông tin trên mạng rồi làm theo mất thêm tiền sửa chữa thay thế linh kiện.
+ Nếu đồng hồ bị nhiễm từ trường chỉ cần qua kỹ thuật sửa chữa họ khử từ là được không cần mở máy
+ Nếu đồng hồ bị hư bánh xe trung gian thì cần thay thế
+ Nếu đồng hồ bị xô cần gạt nhưng đã gạt nhiều lần vẫn không được thì cần thay thế cần gạt. Việc đồng hồ gạt đi gạt lại nhiều lần mà vẫn không được thường rất dễ xảy ra với đồng hồ Nhật với lý do chân kính bị bào mòn không đủ cứng và chắc để giữ chân cần gạt khiến chiếc cần gạt lỏng lẻo dễ bị xô khi va đập. Ngược lại đối với những chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ hoặc Đức ít gặp hơn vì những chiếc đồng hồ đó thường được làm với chân kính tốt hơn, cứng hơn và bền hơn.
Trên đây cũng là một trong số các lý do dễ gặp phải nhất khi chiếc đồng hồ cơ gặp phải. Em hy vọng sẽ giúp các bác đam mê đồng hồ hiểu được phần nào về cơ chế hoạt động cũng như cách xử lý khi gặp phải. Em rất vui khi được gửi những thông tin này đến các bác, hy vọng các bác tiếp tục ủng hộ em để em lại tiếp tục có thể chia sẻ nhiều thông tin hơn nữa tới các bác.
Thanh Duy Alowatch
Trả lời